Tọa đàm “Đánh giá Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam 2022”

(16/03/2022)

Sáng ngày 15 và ngày 16 tháng 3 năm 2022, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã thực hiện thành công buổi Tọa đàm “Đánh giá Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam 2022”, với sự điều phối tổ chức trực tuyến của Trung tâm Phân tích Dự báo.

 

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh đã khai mạc buổi Tọa đàm với những lời chào mừng sáng kiến trao đổi tri thức quốc tế giữa các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, cùng nhiều chuyên gia đến từ các Viện Nghiên cứu và đại học trong nước. Bài phát biểu của TS. Đặng Xuân Thanh đã nhấn mạnh những thành tựu hợp tác khoa học giữa 2 bên trong nghiên cứu phân tích về Nghèo và Bất bình đẳng trong gần 20 năm qua.

 

Bà Rinku Murgai, Trưởng Ban, Ban Nghèo đói và Bình đẳng, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng đã phát biểu khai mạc với lời giới thiệu về tầm quan trọng của báo cáo “Đánh giá Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam 2022” và những khuyến nghị chính sách cho chặng đường phát triển sắp tới của Việt Nam.

 

Báo cáo được nhóm chuyên gia soạn thảo của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC (Hoa Kỳ) và tại Việt Nam chia sẻ các kết quả chính trong 2 phiên: cập nhật những thành tựu giảm nghèo và bất bình đẳng trong thập kỷ 2010-2020 và những vấn đề then chốt trong hoạch định chính sách giảm nghèo trong chặng đường sắp tới của Việt Nam. TS. Matthew Wai-Po, Chuyên gia Kinh tế Trưởng, và TS. Judy Yang, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Ban Nghèo đói và Bình đẳng, Ngân hàng Thế giới, đã chia sẻ những kết quả ban đầu về thực trạng bức tranh giảm nghèo và bất bình đẳng của Việt Nam, cập nhật phương pháp luận, và các tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình xây dựng báo cáo.

 

Buổi Tọa đàm đã có sự tham dự trực tuyến của hơn 70 nhà nghiên cứu đến từ các Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam như Viện Kinh tế, Trung tâm Phân tích Dự báo, Viện Nghiên cứu phát triển Bền vững Vùng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu phát triển Trung Bộ, cùng nhiều cơ quan nghiên cứu khác như Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, Viện Nghiên cứu Khoa học Lao động Xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Mở Hồ Chí Minh…

 

Các chuyên gia đã trao đổi những thông tin mới, những ý tưởng mới và cập nhật những phương pháp luận trong đánh giá phân tích nghèo đói và bất bình đẳng, cũng như các thảo luận về định hướng chính sách giảm nghèo và bất bình đẳng cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề năng suất lao động và các động lực tăng trưởng để Việt Nam vượt qua những thách thức để đạt được mục tiêu đầy tham vọng và khát vọng phát triển. Thảo luận đã xoay quanh việc phân tích phân rã các yếu tố về đặc trưng nhân khẩu học, sự tham gia vào nền kinh tế số, đặc biệt vai trò người phụ nữ với gánh nặng việc nhà không được trả công, việc làm, các vấn đề xung quanh bất bình đẳng, để xác định các yếu tố then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Các nghiên cứu về an sinh xã hội cũng được thảo luận về những yếu kém vẫn còn tồn tại, bộc lộ rõ rệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng nổ, đặc biệt tác động tới nhóm dễ bị tổn thương, nhóm lao động phi chính thức. Sự tương tác giữa những khả năng chuyển dịch kinh tế, khả năng chống chịu của các nhóm lao động, khả năng dư địa chính sách tài khoá, đặc biệt thuế đối với hoạt động kinh tế số, cũng được đề cập tới để nhìn nhận rõ nét hơn các yếu tố cần cân nhắc trong việc hoạch định các công cụ chính sách. 



Các tin đã đưa ngày: