Đại dịch COVID-19 xảy ra năm 2020 đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và trực tiếp ảnh hưởng đến các ngành, trong đó có 2 nhóm ngành đặc biệt đáng lưu ý, bao gồm (1) may mặc và (2) ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Ảnh hưởng ở cấp độ hộ gia đình và nhất là hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới, được ghi nhận đối với 2 nhóm ngành này trong nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Dự báo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu "Tác động của COVID-19 tới phát triển bao trùm và quản trị dân chủ: đánh giá nhanh sau đại dịch tại khu vực tiểu vùng sông Mekong" do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) tài trợ, và Viện Tài Nguyên Phát Triển Campuchia (CDRI) điều phối tổng thể tại một số nước.
Chương trình nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 1000 hộ gia đình có thành viên hoạt động trong 2 nhóm ngành này tại Việt Nam trong tháng 5-7 năm 2021, có tính đại diện ở quy mô toàn quốc. Khảo sát đã cho thấy rõ thêm nhiều ảnh hưởng khác biệt theo giới về thu nhập, cũng như những tác động khác tới các hộ gia đình.
Điều tra hỏi thông tin về thu nhập của hộ gia đình tháng 5 năm 2021 cho thấy tổng thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm đáng kể, đặc biệt các hộ gia đình có chủ hộ là nữ giới có mức độ sụt giảm nhiều hơn so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới. Mức thu nhập của tháng 05 năm 2021 chỉ còn bằng 58.1% mức thu nhập tháng 04 năm 2020. Tỷ lệ này ở nhóm chủ hộ nam giới là 54,1%, trong khi đó, nhóm chủ hộ nữ có mức cao hơn, ở mức 58,8%.
Các chính sách bảo trợ xã hội cần được thiết kế sao cho đặt trọng tâm không những vào những hộ nghèo đang trong danh sách quản lý bởi địa phương, mà còn những hộ rơi vào nghèo đột ngột do đại dịch, đặc biệt nhóm hộ nữ. Điều này được khẳng định khi khảo sát cho thấy tình trạng dễ bị tổn thương của nhóm chủ hộ nữ trong 2 nhóm ngành này rơi vào nghèo tạm thời lên tới 44,8% (cao hơn so với nhóm nam giới có tỷ lệ rơi vào nghèo tạm thời là 39,9%).
Các hỗ trợ chính sách đặc biệt cần thiết khi tình trạng sụt giảm thu nhập, rơi vào nghèo tạm thời đi đôi với nhiều tác động đời sống khác. 40.7% số hộ cho biết gặp khó khăn trong hoạt động giáo dục của trẻ em trong hộ gia đình. Khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ được báo cáo bởi 30,7% các hộ được phỏng vấn. Mua sắm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cũng diễn ra với 31,9% các hộ được phỏng vấn.
Số liệu điều tra cho thấy con số khiêm tốn về tiếp cận chính sách hỗ trợ: chỉ có khoảng 27% hộ gia đình gặp khó khăn nhận được hỗ trợ. Vấn đề hỗ trợ chính sách ở góc độ giới cần được quan tâm khi đa số các hộ gia đình được phỏng vấn cho biết gánh nặng các công việc gia đình đặt nhiều hơn lên vai nữ giới. Tỷ lệ các hộ báo cáo nữ thực hiện các công việc đi chợ nhiều hơn so với tỷ lệ các hộ báo cáo nam giới thực hiện công việc này là 42,7%. Con số khác biệt về giới này đạt mức cao thứ 2 là đối với việc chăm lo người đi khám chữa bệnh (26,7%), tiếp theo là đối với chăm lo việc con em đi học (22,9%), và thấp hơn là đối với việc chăm sóc người ốm trong gia đình (17,4%).
Trong báo cáo này, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện đánh giá nhạy cảm giới về tác động của đại dịch đến 2 khía cạnh: (i) thu nhập (việc làm, thu nhập, rơi bào tình trạng đói nghèo,..) và (ii) phi thu nhập (chi tiêu, thực hiện biện pháp phòng dịch,…) của các hộ gia đình ngành dệt may và ngành du lịch, khách sạn và các dịch vụ liên quan ở Việt Nam. Tiếp theo đó là cách ứng phó của hộ gia đình đối với các tác động trên 2 khía cạnh thu nhập và phi thu nhập có tính đến nhạy cảm về giới. Cuối cùng là đánh giá các hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ gia đình và cảm nhận của các hộ gia đình về các hỗ trợ này
Báo cáo IDRC