Lắng nghe tuổi trẻ lập nghiệp tại Việt Nam: Vòng khảo sát thứ 2

(23/11/2020)

Ngày 23 tháng 11 năm 2020, chương trình nghiên cứu “Tuổi trẻ lập nghiệp” đã công bố báo cáo thứ hai về tác động của đại dịch COVID-19 đến thanh niên ở một số nước đang phát triển. Báo cáo cung cấp một số phân tích về tác động của đại dịch đến việc làm và đời sống của những người trẻ tuổi tại Việt Nam trong giai đoạn đất nước đang tìm cách khôi phục lại nền kinh tế. 

Dự án nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” đã theo dõi cuộc sống của 12.000 trẻ em ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam kể từ năm 2001, và được tài trợ bởi Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCDO), Vương quốc Anh. Trong bối cảnh đại dịch, dự án này đã thực hiện một cuộc khảo sát  qua điện thoại để hiểu rõ hơn COVID-19 và các chính sách quốc gia liên quan đã tác động như thế nào đến cuộc sống của những người trẻ tuổi trong nghiên cứu (hiện ở độ tuổi 19 và 26), tập trung vào sức khỏe, hạnh phúc, việc làm và giáo dục.

Cho đến nay Việt Nam đã và đang rất thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Hàng loạt các biên pháp chủ động, bao gồm đóng cửa trường học, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, áp dụng lệnh cấm tụ tập đông người, cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày áp dụng trên quy mô toàn quốc vào tháng 4, và hệ thống truy vết ca bệnh chặt chẽ, tất cả đều rất hiệu quả. Mặc dù một làn sóng lây nhiễm thứ hai trong cộng đồng có diễn ra, dẫn đến việc thực hiện cách ly trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng, và một số địa bàn tại các tỉnh Quảng Nam và Hải Dương, Bộ Y Tế không ghi nhận ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng (tính đến ngày 9/11/2020). Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội vẫn còn tiếp tục được thực thi, Chính phủ hiện đang theo đuổi mục tiêu kép làm sao để vừa kiểm soát dịch COVID-19 vừa đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. Mức tăng trưởng tuy còn khiêm tốn song đi cùng với những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động trong quý 3 năm 2020 cho thấy nền kinh tế  đã chuyển sang giai đoạn phục hồi.

Hành vi phòng ngừa COVID-19

Việt Nam đã rất thành công trong việc hạn chế sự lây lan của COVID-19 và điều này được thể hiện qua việc chỉ có 14 người được hỏi tin rằng họ có thể đã bị nhiễm kể từ lần gọi đầu tiên. Có 133 người trả lời (khoảng 5% mẫu) được kiểm tra COVID-19 trong giai đoạn này, không có trường hợp nào báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính. Đại đa số người tham gia phỏng vấn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản chống dịch COVID-19, như rửa tay, tránh chào hỏi qua tiếp xúc cơ thể, và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Dù vậy, tất cả các biện pháp phòng ngừa nhìn chung ít được tuân thủ chặt chẽ tại các hộ gia đình nghèo và các hộ ở vùng nông thôn. Phần lớn của sự khác biệt này có thể được lý giải bởi nhu cầu phải đi làm. Trong nhóm có điều kiện kinh tế khá giả nhất, chưa đến một nửa đi làm bên ngoài (47,4%), trong khi hơn 7 trên 10 người (71,3%) trong nhóm có điều kiện kinh tế thấp nhất tiếp tục phải đi làm bên ngoài. Mặc dù bản chất công việc của các nhóm  khác nhau nhưng điều này cho thấy rằng điều kiện kinh tế làm giảm cơ hội được ở nhà theo biện pháp bảo vệ chống COVID-19.

Những quan niệm sai lầm về các biện pháp phòng ngừa hiệu quả không còn phổ biến so với lúc mới bùng dịch, với việc giảm sử dụng các biện pháp chưa được kiểm chứng (dù lành tính). Chỉ 10% số người tham gia phỏng vấn (so với 14% ở vòng 1) áp dụng biện pháp chưa được kiểm chứng phổ biến nhất là uống nước chanh để hạn chế lây nhiễm. Đáng chú ý hơn là số lượng tham gia phỏng vấn dự trữ thức ăn đã giảm. Con số này giảm từ 28% ở vòng 1 xuống dưới 2% ở vòng 2, cho thấy sự thay đổi về suy nghĩ của mỗi người về tác động của đại dịch (và các biện pháp ứng phó trong tương lai) đến an ninh lương thực.

Tác động của dịch COVID-19 đến điều kiện kinh tế và thu nhập

Đại dịch này rõ ràng đã gây ra hậu quả kinh tế và xã hội đối với các hộ gia đình trong mẫu điều tra, cũng như các tác động đến sức khoẻ về thể chất. Thu nhập suy giảm ở 6 trên 10 hộ gia đình, trong đó, các hộ sống tại thành thị và có điều kiện kinh tế khá giả hơn chịu tác động nặng nhất. 

Mặc dù hậu quả ban đầu khi đại dịch mới bùng nổ là tỷ lệ thất nghiệp cao đối với nhóm người trẻ tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ và những người sống ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp sau đó đã giảm đáng kể, với 64% số người tham gia phỏng vấn cho biết hiện đang đi làm (so với 70% vào thời điểm trước dịch).

Có một số bằng chứng cho thấy có sự chuyển đổi về loại hình việc làm, ghi nhận ở cả vùng nông thôn và thành thị, với mức tăng của lao động tự làm từ 22% lên 26%.

Tác động của dịch COVID-19 đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người

Việt Nam dường như không ghi nhận các tác động tiêu cực của đại dịch đến sức khoẻ tinh thần của mỗi người. Vòng khảo sát thứ 2 ghi nhận mức tăng khiêm tốn so với kết quả ghi nhận từ năm 2016 (phù hợp với xu hướng trước đây của nghiên cứu Những Cuộc đời trẻ thơ tại Việt Nam). So với các nước trong cuộc khảo sát, Việt Nam là nước duy nhất ghi nhận tình trạng tương đối tích cực này.

Nhìn chung, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ lo lắng (9%) và trầm cảm (9%) thấp nhất trong số các nước thực hiện điều tra.  

Tác động của dịch COVID-19 đến giáo dục và sử dụng thời gian

Mặc dù học tập bị gián đoạn đáng kể trong thời gian cách ly, vào thời điểm thực hiện khảo sát vòng 2, 92% nhóm thanh niên 19 tuổi vẫn còn đang đi học hoặc chuẩn bị đi học. Trong khi số lượng các bạn trẻ đi học có thể gần bằng với mức trước dịch, nhưng phương thức học tập đã thay đổi theo tình hình ứng phó dịch COVID: chỉ 32% học sinh, sinh viên đến lớp học kể từ khi thực hiện lệnh giãn cách toàn xã hội hồi tháng 4, với 68% học online (98% các em tham gia trả lời phỏng vấn có kết nối mạng Internet tại nhà). 

Trong thời kỳ ứng phó dịch COVID-19, 51% người tham gia phỏng vấn dành nhiều thời gian hơn cho các công việc nội trợ, 45% dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc trẻ. Trách nhiệm chăm sóc gia đình và con cái dường như là thuộc về các phụ nữ trẻ.



Các tin đã đưa ngày: