Tọa đàm “Một số vấn đề nổi bật của thị trường lao động ở Việt Nam trong năm 2020”

(27/11/2020)

Ngày 27/11/2020, trong khuôn khổ hoạt động khoa học chung, Trung tâm Phân tích và Dự báo đã tổ chức Tọa đàm khoa học với tiêu đề "Một số vấn đề nổi bật của thị trường lao động ở Việt Nam trong năm 2020". Tham dự buổi tọa đàm có đầy đủ các cán bộ trong Trung tâm. 

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2019 và 2020 cho thấy dấu hiệu suy giảm rõ nét với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12% (tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ là 0,36%). Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong rất nhiều năm trở lại đây. Mặc dù, khi phân tích theo từng quý thì tăng trưởng GDP có một xu hướng khá đặc biệt là quý sau luôn cao hơn quý trước trong một năm và quý 1 của năm sau luôn có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn tương đối so với tốc độ tăng trưởng trong quý 4 của năm trước, tốc độ tăng trưởng trong quý 1 năm 2020 cao hơn gần 11 lần so với quý 2. Trong bối cảnh đó, những chỉ tiêu đo lường cơ bản về thị trường lao động năm 2019 và quý 1, quý 2, quý 3 năm 2020 như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tiền lương danh nghĩa của người lao động cho thấy sự thay đổi rõ rệt, phản ánh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là quý 2 khi cả nước thực hiện dãn cách xã hội trong 15 ngày từ 1-15 tháng 4. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chung có tăng lên đáng kể nhưng vẫn là tương đối thấp ở mức khoảng 2-2,5%, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ cao (tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học) lại tương đối cao và có xu hướng tăng lên.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tương đối ổn định ở mức 76%-77% và có xu hướng tăng đáng kể trong quý 4 năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã giảm mạnh trong quý 2/2020 do tác động mạnh của đại dịch Covid 19. Tỷ lệ thất nghiệp chung của Việt Nam vẫn tương đối thấp nhưng thất nghiệp thanh niên tương đối cao và có xu hướng tăng lên.

Tỷ lệ lao động không có bảo hiểm xã hội tiếp tục có xu hướng giảm đối với cả nam và nữ, mặc dù vậy tỷ lệ này của nam luôn cao hơn của nữ trong tất cả các quý quan sát.

Thu nhập danh nghĩa của lao động làm công ăn lương tiếp tục tăng nhẹ trong đó sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ và sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa các nhóm này có xu hướng thu hẹp lại trong năm 2019.

 Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lại rơi vào nhóm thanh niên có trình độ cao là trình độ cao đẳng và trình độ đại học trở lên.  Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên có trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề đã có xu hướng giảm mạnh từ năm 2017 tới 2018, đặc biệt với nhóm thanh niên có trình độ cao đẳng nghề. Do đó, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu để có thể lý giải cho điều này, ví dụ như nghiên cứu về sự không tương thích (mismatch) trong thị trường lao động khi mà yêu cầu của thị trường và trình độ chuyên môn hoặc trình độ nghề của lao động trẻ không gặp nhau.



Các tin đã đưa ngày: