Tọa đàm “Tác động của sự gia tăng tầng lớp trung lưu tới phát triển kinh tế: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam"

(01/09/2020)

Ngày 01/09/2020, trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ "Vai trò của tầng lớp trung lưu đối với tăng trưởng và bất bình đẳng ở Việt Nam" đã tổ chức Tọa đàm "Tác động của sự gia tăng tầng lớp trung lưu tới phát triển kinh tế: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam". Tọa đàm có sự tham gia của các cán bộ thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo và một số cán bộ của Viện Địa lý nhân văn có quan tâm đến chủ đề.

Thế kỷ 21 sẽ không được quyết định bởi sự lựa chọn trừu tượng của các quốc gia; ngược lại lực lượng thúc đẩy sự biến đổi thế giới là một tầng lớp trung lưu toàn cầu mới nổi lên. Báo cáo “Xu thế Toàn cầu năm 2030” (Global Trends 2030) cho biết rằng: căn cứ theo xu thế hiện nay, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ từ 2 tỷ người tăng lên 3,2 tỷ người vào năm 2020 và 4,9 tỷ người vào năm 2030 (dự tính tổng số dân toàn thế giới năm 2030 là hơn 8 tỷ người). Nói cách khác đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ vượt qua số người nghèo.

Đáng chú ý nhất là sự biến đổi của châu Á. Số lượng người tiêu dùng ở mức trung lưu tại Trung Quốc hiện nay đã là hơn 160 triệu, chỉ kém nước Mỹ. Nhưng con số ấy chỉ chiếm có khoảng 12% tổng số dân Trung Quốc. EUISS dự tính đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ lên tới 74%. Tại Ấn Độ, năm 2025 sẽ có một nửa số dân vượt qua ngưỡng thu nhập mỗi ngày 10 USD và đến năm 2040 thì 90% số dân Ấn Độ sẽ thuộc tầng lớp trung lưu.

Trong giai đoạn 2014 – 2016, tính toán của World Bank cho thấy trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu (TLTL). Với mức bình quân này, tạm tính đến năm 2018, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam chiếm 16,3% dân số. TLTL ở Việt Nam xuất thân từ khá nhiều nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, phổ biến nhất là từ doanh nhân, tầng lớp tri thức, nông dân, công nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức hoặc những người làm kinh doanh buôn bán nhỏ và vừa, trong đó thành phần chủ yếu là các doanh nhân thành đạt, các cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan tổ chức và những người nông dân vươn lên làm ăn phát đạt. Xét theo khía cạnh nghề nghiệp, TLTL ở Việt Nam cơ bản là những nhóm người có trình độ chuyên môn cao, là những thành phần tri thức, thành đạt, giỏi giang, có học vấn cao và có vị thế trong toàn bộ các tầng lớp xã hội. 

Do có vốn tri thức, kỹ năng lao động, nghề nghiệp, thu nhập, tài sản ngày càng được tích lũy,... nên TLTL đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều phương diện. Trước hết, TLTL có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định chính trị xã hội. Thứ hai, TLTL thúc đẩy sự phát triển của đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ khi là lực lượng đi tiên phong đầy năng động trong phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ, có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo và y tế; góp phần tạo ra các giá trị xã hội và nâng cao văn minh xã hội, là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế thị trường, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. TLTL có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tầng lớp khác cũng như trong thực hiện mục tiêu xóa đói nghèo và bất bình đẳng xã hội. TLTL là tầng lớp năng động của xã hội, họ đặc biệt quan tâm theo dõi tình hình chính trị, kinh tế trong nước, quốc tế để từ đó có thể chia sẻ hoặc có những đóng góp tích cực đối với nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển đất nước. TLTL luôn được biết đến với sứ mệnh đi đầu trong việc tìm tòi, sáng tạo và phát triển những tri thức mới, với những nguồn nhân lực mới, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày một bức thiết của hội nhập.TLTL không chỉ tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của an sinh xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp tại các địa phương.TLTL có vai trò góp phần làm phong phú, giàu có đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội.TLTL thường giữ vị trí là những người có vai trò trực tiếp trong tổ chức điều hành, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động hội nhập, cạnh tranh, giao lưu quốc tế; đóng góp tài chính thúc đẩy sản xuất và nguồn lực phát triển khác. Cuối cùng, TLTL trực tiếp góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, do vừa là chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh, vừa là chủ thể của tiêu dùng.



Các tin đã đưa ngày: