Đề tài “Vai trò của tầng lớp trung lưu đối với tăng trưởng và bất bình đẳng ở Việt Nam”

Đề tài cấp Bộ

TS. Lê Kim Sa

2019 - 2020

Tầng lớp trung lưu, tăng trưởng và bất bình đẳng

Giới thiệu nội dung:

+ Đề tài xây dựng một khung khái niệm có tính đến bản chất nội sinh của tầng lớp trung lưu và cho thấy mối quan hệ tương quan giữa 1) thể chế, 2) tầng lớp trung lưu và 3) tăng trưởng kinh tế. Trong khung phân tích này, ba yếu tố này có liên quan tới nhau và có mối quan hệ qua lại. Điều này cho thấy, tầng lớp trung lưu là nhân tố quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các quốc gia.

Về mặt lý thuyết, tầng lớp trung lưu có vai trò quan trọng cho sự thịnh vượng của quốc gia thông qua đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và ổn định xã hội. Mặc dù vậy, việc xác định quan hệ nhân quả giữa tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế là không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có những bằng chứng lý thuyết về quan hệ tương hỗ giữa tốc độ tăng trưởng của một quốc gia với quy mô và tỷ lệ thu nhập của tầng lớp trung lưu.

+ Ở các nước đang phát triển, tầng lớp trung lưu có vai trò thúc đẩy tăng trưởng thông qua tích lũy vốn con người. Tại các nước phát triển, tầng lớp trung lưu đóng vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế trong những thế kỷ qua. Họ được coi là nguồn gốc của tinh thần doanh nghiệp và sự sáng tạo – những đơn vị kinh tế thúc đẩy nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Tầng lớp trung lưu cung cấp tất cả những đầu vào cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế, như ý tưởng mới, vốn tài chính và vốn nhân lực.

+ Vai trò đối với tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, được xem xét theo lý thuyết tiêu dùng tư nhân. Qua cách tiếp cận vĩ mô, có thể kết luận yếu tố chi tiêu tiêu dùng tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi mà nó chiếm tỷ trọng cao cũng như là yếu tố đóng góp quan trọng cho quá trình tăng trưởng GDP. Những nhu cầu mới nảy sinh từ tầng lớp trung lưu đã góp phần thúc đẩy sự năng động của sản xuất và thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.

+ Qua cách tiếp cận vi mô, có thể thấy các hộ gia đình trung lưu Việt Nam đang có những thay đổi trong cơ cấu chi tiêu. Mức chi tiêu cho lương thực thực phẩm giảm xuống trong khi mức chi tiêu cho giáo dục đang tăng lên. Đồng thời, tầng lớp trung lưu ở thành thị có khuynh hướng tiêu dùng nhìn chung là tích cực hơn ở nông thôn. Điều này phần nào cho thấy Việt Nam đang bước vào một xã hội tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu đang có những đóng góp nhất định cho xu hướng này.

+ Sau khi kết hợp với những kết quả phân tích vĩ mô về đóng góp của tầng lớp trung lưu thông qua thành phần tiêu dùng tư nhân trong tổng cầu, có thể đưa ra một nhận xét chung về vai trò của tầng lớp trung lưu trong nền kinh tế. Tầng lớp trung lưu Việt Nam nhìn một cách tổng thể, có một xu hướng tiêu dùng tích cực cùng với một tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai về qui mô cũng như đóng góp cho GDP. Đó chính là những đặc điểm thiết yếu tạo nên một tầng lớp năng động, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống của xã hội.

+ Đối với bất bình đẳng thu nhập, có thể thấy tầng lớp trung lưu tăng nhưng bất bình đẳng vẫn dai dẳng. Khó có thể xác lập được mối mối quan hệ rõ ràng về tầng lớp trung lưu với bất bình đẳng ở Việt Nam cho dù những tính toán mối quan hệ giữa bất bình đẳng (tính từ chỉ số Gini) và GDP trên đầu người của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, thì về cơ bản cho thấy có mối quan hệ theo hình chữ U ngược như lý thuyết của Kuznet. Đồng thời, giống như giải quyết bất bình đẳng trên thế giới, hiện nay không có một bộ chính sách áp dụng cho tất cả các nước

Tại Việt Nam, các diễn chính thức vẫn thường không đề cập đến tầng lớp trung lưu, nhưng việc sử dụng thuật ngữ này gần đây đã ngày càng gia tăng. Trong các tài liệu nghiên cứu, việc xác định các nhóm thu nhập trung bình hay tầng lớp trung lưu có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Đây là một trong những khó khăn trong việc nghiên cứu tầng lớp trung lưu ở Việt Nam vì tính mới và đặc thù của tầng lớp này với tư cách là một nhóm xã hội có tính không đồng nhất, và hơn nữa khả năng sẵn sàng và khả năng phối hợp và khả năng ảnh hưởng đến các chính sách là không lớn.

Mặc dù vậy, Việt Nam cần có một chính sách phù hợp dành cho tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tầng lớp trung lưu gia tăng nhưng chưa phát triển đầy đủ cho thấy Việt Nam hiện nay vẫn còn có không gian và thời gian, ít nhất là trung hạn, để thử nghiệm các chính sách mới, thể chế mới với rủi ro và chi phí thấp hơn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường đột phá cải cách, thử nghiệm những mô hình mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Chính vì vậy, các kiến nghị chính sách hướng tới việc xây dựng một hệ thống chính sách hướng tới phát triển tầng lớp trung lưu sẽ là các chính sách nhằm phân bổ lại sản xuất, sắp xếp lại lao động nhằm hướng tới những kỹ năng cao hơn, nâng cao hiệu quả lao động cũng như toàn nền kinh tế, từ đó bảo đảm hướng tới nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa hệ thống bảo hiểm xã hội theo phương hướng tiện lợi cho người dân.