Đề tài đã nhận diện bối cảnh mới trên thế giới và bối cảnh ở trong nước có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Bối cảnh mới trên thế giới là: (i) Quá trình toàn cầu hóa đang có những sự điều chỉnh quan trọng, với quá trình “giải toàn cầu hóa – deglobalization” có tác động bất lợi đối với các quốc gia có mức độ hội nhập cao như Việt Nam; (ii) CMCN 4.0 tăng tốc đang làm thay đổi những nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu, tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen nhau đối với Việt Nam; (iii) Yếu tố Trung Quốc đang làm thay đổi địa kinh tế và địa chính trị trên thế giới. Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, song sự trỗi dậy về công nghệ của quốc gia này lại có thể gây bất lợi cho Việt Nam trong trung đến dài hạn; (iv) Vai trò của dịch vụ tăng nhanh, tích hợp mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế đang làm thay đổi nội hàm của công nghiệp hóa, làm giảm lợi thế so sánh của các nước đi sau đang dựa vào phương thức sản xuất hàng loạt truyền thống, gây bất lợi cho Việt Nam; (v) Sự xuất hiện của các thách thức liên quan đến an ninh phi truyền thống - an ninh mạng, an ninh con người nói chung cũng như trong bối cảnh đại dịch (như đại dịch Covid-19) nói riêng với tác động tiêu cực lớn đến thế giới trong ngắn cũng như trung và dài hạn, tiếp tục làm thay đổi địa kinh tế và địa chính trị ở trên thế giới với những cơ hội và thách thức đan xen nhau đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhận diện bối cảnh ở trong nước, đó là (i) Tăng trưởng phục hồi ấn tượng, tạo những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Nhờ tăng trưởng tương đối nhanh và mang tính bao trùm (inclusive growth), nhóm kinh tế bảo đảm chiếm đa số, với tỷ lệ gần 60% tổng dân số và tầng lớp trung lưu đã xuất hiện, giúp thị trường nội địa tăng nhanh. Do vậy nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm lấy những cơ hội này; (iii) Dân số già hóa nhanh, gây sức ép làm tăng giá nhân công, qua đó buộc các doanh nghiệp phải liên tục nâng cao hiệu quả, ứng dụng công nghệ, nâng cao kỹ năng cho người lao động để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các phát hiện từ kết quả phân tích số liệu chỉ ra các yếu tố quan trọng tác động lên năng suất lao động của doanh nghiệp, đó là (i) mức độ trang bị vốn trên một lao động; (ii) qui mô của doanh nghiệp; (iii) trình độ đào tạo của lao động; (iv) tỷ lệ lao động nước ngoài trong doanh nghiệp; (v) tỷ lệ lao động nước ngoài trên địa bàn cùng huyện; (vi) trình độ công nghệ của các doanh nghiệp ngành chế tạo; (vii) hàm lượng tri thức của các ngành dịch vụ; (viii) trình độ tin học của doanh nghiệp; (ix) trình độ tin học của người lao động; (x) địa bàn hoạt động của doanh nghiệp; (x) mức độ hội nhập của doanh nghiệp vào các chuỗi giá trị toàn cầu.