Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam: quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển và các kiến nghị chính sách

Đề tài cấp Bộ

TS. Lê Kim Sa

Trung tâm Phân tích và Dự báo

Trung tâm Phân tích và Dự báo

2013 - 2015

Tầng lớp trung lưu

Giới thiệu nội dung:

Kể từ sau Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và trở thành nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2010. Quá trình phát triển kinh tế này đã cải thiện đáng kể cuộc sống vật chất và tinh thần của hầu hết người dân Việt Nam. Thành quả quan trọng nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 12,3% vào năm 2009. Hàng chục triệu người đã bước ra khỏi tình trạng nghèo đói và hòa nhập vào một xã hội phát triển hơn.

Trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, mối quan tâm truyền thống của các nhà kinh tế (trên thế giới và trong nước) đối với các chính sách phát triển là người nghèo. Tuy nhiên, mối quan tâm này cần phải thay đổi dần với sự phát triển của tầng lớp trung lưu với tư cách là nguồn lực cho sản xuất và tiêu dùng.

Tăng trưởng kinh tế sẽ còn thúc đẩy tầng lớp trung lưu của Việt Nam biến đổi. Sự gia tăng mạnh mẽ của các luồng đầu tư trong nước và quốc tế trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế mà hệ quả là làm sâu sắc hơn sự phân hóa xã hội với các tầng lớp khác nhau về thu nhập, mức sống, lối sống và tư tưởng.

Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam coi dân giàu, nước mạnh là mục tiêu phấn đầu, thì hiển nhiên phải coi việc trung lưu hóa dân số là biểu biện của sự phát triển. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, để ổn định và phát triển, Việt Nam phải cơ bản phát huy vai trò của tầng lớp trung lưu hay tầng lớp hộ gia đình khá giả hiện ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư.

Tại Việt Nam, gần đây cũng có nhiều ý kiến đề xuất về việc kích cầu cần hướng về nông thôn, một thị trường của hơn 75% dân số và mức tiêu dùng thấp đang còn nhiều tiềm năng. Các ngân hàng, doanh nghiệp cần có các phương thức và chương trình tín dụng tiêu dùng như cho nông dân mua hàng trả góp, trả chậm, thanh toán trả chậm cho các đại lý tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Trong thời kỳ suy thoái, sự suy giảm của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ không những chặn dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp, mà còn tạo ra số lao động ở các ngành này bị mất việc sẽ ngày càng tăng lên, tạo áp lực lao động chảy ngược về nông thôn. Do đó, nhà nước cần có chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp buộc phải giãn thải công nhân, lập các quỹ đào tạo lại và nâng cao tay nghề để đón đầu khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

Do đó, việc nghiên cứu sự phát triển và vai trò của tầng lớp trung lưu để từ đó đưa ra các định hướng chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và chính trị là cần thiết. Hiện nay, chưa có những nghiên cứu theo hướng này về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Đây chính là yêu cầu đặt ra với đề tài nghiên cứu với quan điểm thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua việc phát triển tầng lớp trung lưu.