Những số liệu vĩ mô của năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy để chuyển sang giai đoạn phục hồi tăng trưởng: lạm phát đã được kiểm soátở mức thấp 6,04%; tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 tăng trưởng 5,42%, cao hơn mức tăng trưởng 5,25% của năm 2012 (theo giá so sánh năm 2010); xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, qua đó giúp cán cân thương mại năm 2013 cải thiện rõ rệt và là năm thứ hai liên tiếp đạt được thặng dư; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2013 (cả vốn đăng ký và vốn thực hiện) vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm qua; khả năng phòng vệ và phòng ngừa rủi ro tài chính của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong năm 2013 nhờ sự tăng vọt của quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia (đạt mức trên 25 tỷ USD tính tới thời điểm cuối tháng 12/2013 và trên 35 tỷ USD vào đầu tháng 4/2014). Nhờ những điểm sáng đó mà trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2013 đã tăng 5 bậc so với năm trước (xếp hạng 70 trong tổng số 148 nước năm 2013), chủ yếu nhờ kinh tế vĩ mô ổn định hơn (tăng 19 bậc so năm trước) và sự cải thiện của chất lượng hạ tầng giao thông (tăng 13 bậc so năm trước).
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn và rủi ro. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc và sự phục hồi kinh tế còn khá mong manh. Vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa được giải quyết triệt để, tiếp tục làm “nghẽn mạch” nền kinh tế và cản trở quá trình phục hồi. Sự phụ thuộc thương mại vào một số quốc gia cũng tiềm ẩn những rủi ro khi bối cảnh khu vực đang có nhiều thay đổi. Đây là những vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế, có liên quan với những nền tảng của tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam.
Trong bối cảnh giá cả tương đối thấp song tăng trưởng trì trệ kéo dài, mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như của giới chuyên gia đang chuyển dần từ các vấn đề ứng phó ngắn hạn với lạm phát và bất ổn vĩ mô sang các vấn đề liên quan đến các yếu tố tạo nên tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tăng trưởng tiềm năng – mức tăng trưởng được quyết định bởi các nguồn lực về vốn và lao động có thể huy động được ở mức duy trì bền vững trong dài hạn, và hiệu quả sử dụng các nguồn lực đó - có xu hướng suy giảm, đặc biệt là từ năm 2007 trở lại đây (VASS 2014). Nguyên nhân bao gồm cả sự sụt giảm của nguồn lực cũng như hiệu quả sử dụng nguồn lực: vốn đầu tư xã hội chỉ bằng 30,4% GDP trong năm 2013, giảm 3,1 điểm phần trăm so với mức 33,5% GDP của năm 2012, và giảm rất nhiều so với mức trên 40% GDP của giai đoạn từ 2007 đến 2010; hiệu quả sử dụng nguồn lực – được đo bằng tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào TFP – đã giảm từ 23,4% trong giai đoạn 2001-2005 xuống chỉ còn 15,4% trong giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ này đã tăng lên 20,1% trong giai đoạn 2011-2012, xong không đủ bù đắp sự sụt giảm của đầu tư để khôi phục được tốc độ tăng trưởng (VASS 2014). Trong bối cảnh có những ràng buộc về huy động nguồn lực và môi trường toàn cầu có những thay đổi đáng kể với tăng trưởng và thương mại toàn cầu chậm lại (Rodrik 2013), các giải pháp về thể chế và chính sách cần hướng đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công cũng như hệ thống tài chính ngân hàng và các doanh nghiệp Nhà nước là các giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, và qua đó thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn. Tuy nhiên việc thực hiện chương trình này hiện diễn ra khá chậm chạp. Đồng thời việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa chủ yếu vào nâng cao hiệu quả cần có những giải pháp toàn diện hơn và do vậy cần có những nghiên cứu phân tích chi tiết hơn.
Cụ thể, sự thay đổi hiệu quả (đo bằng yếu tố năng suất tổng hợp TFP) có thể phụ thuộc vào 4 cấu phần: (i) thay đổi trong hiệu quả phân bổ (allocative efficiency), được tạo ra bởi sự di chuyển nguồn lực từ các ngành trì trệ có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn với tiềm năng tăng trưởng tốt hơn, và trong mỗi ngành – từ các doanh nghiệp có hiệu quả thấp sang các doanh nghiệp có hiệu quả cao hơn thông qua quá trình được gọi là „sự hủy diệt sáng tạo“ (creative destruction), cả hai tạo nên sự thay đổi cơ cấu nền kinh tế (hay thường được gọi là chuyển dịch cơ cấu – structural change) dưới tác động của sự thay đổi công nghệ ở bên cung và thị hiếu tiêu dùng ở bên cầu; (ii) thay đổi hiệu quả kỹ thuật (technical efficiency), tức là hiệu quả sử dụng nguồn lực ở trong từng doanh nghiệp hay đơn vị sản xuất; (iii) thay đổi hiệu quả liên quan đến qui mô (scale efficiency) – đạt được nhờ có qui mô tối ưu, không nhỏ quá song cũng không lớn quá; và (iv) tiến bộ kỹ thuật (technical progress), giúp nâng cao tiềm năng sản xuất (production possibility frontier) (xem chi tiết về định nghĩa, cách tính toán trong Khung phân tích được mô tả trong phần Phương pháp tiếp cận của Đề tài). Mỗi cấu phần này lại có các hàm ý chính sách khác nhau. Bởi vậy việc phân tích chi tiết như vậy sẽ giúp chỉ ra lý do là cấu phần nào đang chi phối sự sụt giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực trong giai đoạn gần đây như được nêu ở trên và qua đó giúp xác định cụ thể những lĩnh vực ưu tiên đối với những cải cách về thể chế và chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng chiều rộng (chủ yếu dựa vào sự gia tăng nguồn lực) sang tăng trưởng theo chiều sâu (chủ yếu dựa vào sự gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực).
Đề tài sẽ thực hiện phân tích sâu đối với cấu phần thứ nhất – hiệu quả phân bổ, vì sự chuyển dịch cơ cấu đóng vài trò hết sức quan trọng đối với tăng năng suất nói riêng và tăng trưởng nói chung (Lewis 1954, Maddison 1987, Chenery, Robinson và Syrquin 1986, Akkemik 2005, Bertheremy 2001, Ngai và Pissarides 2007). Trong khi đó số liệu lại cho thấy ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự chững lại trong chuyển dịch nguồn lực từ nông nghiệp sang ngành công nghiệp chế tạo, dẫn đến hiện tượng được gọi là „quá trình công nghiệp hóa bị chững lại quá sớm“ (pre-mature de-industrialization), với tỷ trọng của công nghiệp chế tạo trong GDP và việc làm sau giai đoạn tăng trưởng nhanh đã bị chững lại ở các mức tương ứng là 17% và 14% kể từ năm 2008 đến năm 2012 (McCaig và Pavnik 2013). Do ngành công nghiệp chế tạo vừa có khả năng tạo nhiều việc làm lại vừa có khả năng bắt kịp với thế giới cao hơn hẳn so với các ngành khác trong quá trình hội nhập nên được nhiều chuyên gia coi là động lực chính của quá trình công nghiệp hóa ở các nước có trình độ phát triển ở mức thấp (Rodrik 2013). Bởi vậy sự chững lại này sẽ làm suy giảm tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam. Đây sẽ là một vấn đề nổi bật mà đề tài dự kiến sẽ có phân tích sâu trên cơ sở số liệu cập nhật nhất để trả lời xem đây là xu hướng hay chỉ là hiện tượng nhất thời, và trên cơ sở đó có thể đưa ra những hàm ý chính sách phù hợp. Sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành chế tạo giữa ba phân ngành chế tạo với (i) công nghệ thấp, (ii) công nghệ trung bình và (iii) công nghệ cao (theo định nghĩa của OECD, xem chi tiết ở trong Phụ lục 1) cũng sẽ được phân tích vì sự chuyển dịch nội bộ này cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phân bổ.
Đề tài cũng sẽ thực hiện phân tích chi tiết đối với sự thay đổi của tỷ trọng ngành dịch vụ nói chung (có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2013) cũng như một số phân ngành dịch vụ (các phân ngành dịch vụ xương sống - backbone services), và các phân ngành dịch vụ còn lại được phân ngành nhóm có năng suất giá trị cao và nhóm có năng suất giá trị thấp (high end vs. low end services). Phân tích sự thay đổi cơ cấu này cần thiết vì sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ có năng suất và giá trị thấp không giúp nhiều cho Việt Nam bắt kịp với các nền kinh tế khác, tuy giúp tạo việc làm cho lao động ít kỹ năng, qua đó giúp giảm nghèo.
Đề tài cũng thực hiện phân tích sâu đối với các cấu phần phần khác của năng suất tổng hợp – hiệu quả kỹ thuật hay hiệu quả sử dụng, hiệu quả qui mô và tiến bộ kỹ thuật, bao gồm cả tính toán các chỉ số này cũng như lượng hóa tác động lên các chỉ số này của các đặc tính của doanh nghiệp (cơ cấu sở hữu, qui mô, địa bàn, định hướng xuất khẩu, chi phí cho nghiên cứu và phát triển R&D v.v...). Việc phân tích cả bốn cấu phần tạo nên năng suất tổng hợp sẽ được thực hiện trên cơ sở trên cơ sở sử dụng số liệu gốc của Tổng Điều tra doanh nghiệp hàng năm của giai đoạn 2001-2013, và Tổng điều tra lao động và việc làm hàng năm từ năm 2007 đến 2010, và hàng quý từ năm 2011 trở lại đây (xem chi tiết trong Mục 11. Cách tiếp cận và phương pháp). Các số liệu này không những cho phép tính toán TFP theo bốn cấu phần ở cấp toàn bộ nền kinh tế và theo các nhóm ngành nêu trên, mà còn xác định được mối liên kết của chúng với các đặc tính doanh nghiệp như (i) cơ cấu sở hữu (DNNN, FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước), (ii) qui mô (doanh nghiệp nhỏ và vừa); (iii) định hướng xuất khẩu; (iv) địa bàn (các vùng kinh tế). Nhờ đó có thể xác định mối liên hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế với hai nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế là đầu tư công (liên quan đến phân bổ hạ tầng cơ sở theo các vùng kinh tế) và DNNN. Những phân tích sâu như vậy cũng góp phần vào cuộc thảo luận hiện nay liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam, với nhiều ý kiến khác nhau, và trong một số trường hợp còn trái chiều nhau.
Kết quả phân tích các vấn đề “nổi bật” đó của nền kinh tế cùng các thông tin và số liệu phù hợp khác sẽ được sử dụng cho việc xây dựng các kịch bản mô phỏng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Với mục đích đó, một mô hình dự báo trung hạn sẽ được xây dựng phù hợp, với trọng tâm là “nội sinh hóa” yếu tố năng suất tổng hợp trong hàm sản lượng tiềm năng.