Các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong các năm 2013 – 2014 cho thấy nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi sau tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất - nhập khẩu, thanh khoản ngân hàng thương mại… có sự cải thiện và ổn định hơn so với vài năm trước đó.Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang còn ở trong giai đoạn tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng.
Tác động của khủng hoảng đã yếu đi, điều kiện được cải thiện, tuy vậy điều đó không có nghĩa là nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng cao như trước khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Thực tế là Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng mà với cách đánh giá trước đây có thể coi là trì trệ và đang phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn và những bất ổn về dài hạn có thể gây mất ổn định trở lại. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam cần có biện pháp nào để làm tốt hơn thực tế hiện nay, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng cao hơn, phát triển bền vững và để người dân được thụ hưởng nhiều nhất kết quả phát triển. Để thực hiện mục tiêu này thìViệt Nam cần có một mô hình tăng trưởng mới với môi trường kinh doanh mới.
Đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung về mô hình tăng trưởng và môi trường kinh doanh, với mục tiêu nghiên cứu tổng quát là phân tích và đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt nam trong các năm 2013 – 2014 và đề ra các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, đề tài cũng nhằm đưa ra dự báo một số chỉ tiêu vĩ mô trong các năm từ 2015 đến năm 2020. Mục tiêu này được cụ thể hoá như sau:
- Đánh giá tổng quát sự phát triển của nền kinh tế thông qua các biến số vĩ mô chính (i) tăng trưởng; (ii) lạm phát; (iii) việc làm và (iv) các cân đối vĩ mô
- Phân tích những yếu tố liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và những rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam
- Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế Việt Nam năm 2014-2015
Về phạm vi nghiên cứu, đề tài này gồm có 2 phần chính là: (i) phân tích các kết quả kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách vĩ mô trong năm 2013 – 2014. Với quy mô của đề tài, cùng với tính liên kết của các đề tài do Trung tâm Phân tích và Dự báo đã thực hiện trong các năm trước, việc đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ được tập trung chủ yếu vào bốn chỉ số kinh tế là tăng trưởng, lạm phát, các mất cân đối vĩ mô, việc làm và tiền lương; và (ii) Dự báo một số chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2013, bao gồm tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, v.v. Về thời gian nghiên cứu, việc phân tích và đánh giá sẽ được thực hiện cho 2 năm 2013 - 2014 và dự báo sẽ được thực hiện cho đến năm 2020.
Đề tài bao gồm phần Mở đầu, 4 chương, Kết luận, các phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo và danh sách các thành viên tham gia Đề tài. Sau phần Mở đầu, Chương I đưa ra Khung phân tích cùng các phương pháp dự báo sẽ được sử dụng trong các chương sau. Chương II phân tích về bối cảnh kinh tế toàn cầu có tiềm năng tác động tới nền kinh tế Việt Nam thông qua các kênh xuất nhập khẩu (tác động lên tổng cầu) hay giá thế giới của các đầu vào chiến lược của nền kinh tế (dầu thô, nguyên vật liệu nhập khẩu v.v…), cũng như những kết quả chính của kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, việc làm, các cán cân vĩ mô v.v…) trong các năm 2013 và đặc biệt là năm 2014. Chương III sẽ thực hiện phân tích một số vấn đề nổi bật liên quan đến các chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam trong các năm 2013 và 2014. Chương IV là dự báo tăng trưởng kinh tế cho đến năm 2020. Phần cuối cùng của Báo cáo là Kết luận và Khuyến nghị chính sách.