Những ai từng đi biển, chứng kiến sự thâm sâu, huyền bí của đại dương, nhất là những lúc đại dương đang cuồng nộ, hẳn phải công nhận rằng, đôi mắt trước mũi mỗi một chiếc thuyền, chính là niềm tin của nhóm ngư dân trong nỗ lực đến với đất liền, về với gia đình lẫn cộng đồng.
Đơn giản, đấy chỉ là những đôi mắt được vẽ trên mũi ghe thuyền – phương tiện đi biển, phương tiện kiếm sống của bộ phận cư dân, mà ngay từ lúc sinh ra, định mệnh đã gắn chặt cuộc đời với biển.
Đơn giản, đấy chỉ là những con mắt vẽ trên mũi ghe thuyền, vô hồn và cứng nhắc trên bờ cát, nhưng lại trở nên nhấp nháy, sinh động mỗi một khi con thuyền “đến với biển”, tiếp cận vào mặt biển gợn sóng, và thực sự sống cuộc sống chan hoà với biển. Hiểu lấy biển, khiếp sợ biển trong hoài bão làm chủ lấy biển đông, nơi bao chứa nguồn lợi vô tận, con mắt thuyền từ đấy bao chứa nhiều niềm tin tín ngưỡng, nhiều cách luận giải đậm chất vùng miền và cũng đẫm chất nhân văn.
Không biết tự bao giờ, trên dải đất nắng gió miền Trung, những con mắt lại xuất hiện trên mũi ghe thuyền như một dấu hiệu nhận biết, có những đôi mắt hiền từ, nhẫn nại, kiếm tìm, nhưng cũng có những đôi mắt trợn tròn hung dữ. Truyền thuyết kể rằng, một trong những vị vua đầu tiên của nước Việt đã vẽ hình con mắt trên chiếc thuyền của mình khi những người thân cận của ông bị kình ngư làm hại, sau đấy, lệnh truyền cho tất cả thần dân phải xăm mình, vẽ những hình thù kỳ quái bên cạnh đôi mắt, khoác một lớp áo hung dữ cho chiếc thuyền, khiến cho thuỷ quái phải kinh hồn bạt vía mỗi khi di chuyển trên nước. Có thể ẩn khuất đâu đấy trong truyền thuyết này một biến thể, biểu hiện. Một nhóm ngư dân khác tin rằng, đôi mắt thuyền chính là hình ảnh tái hiện mắt “thuồng luồng” – loài sinh vật huyền thoại mang nhiều quyền năng liên quan đến sông nước, đôi mắt huyền thoại hiện hữu trên mũi thuyền nhằm để chống chõi với những sinh vật huyền thoại.
Có thể bắt đầu bằng hình ảnh con mắt thần Osiris phổ biến trên thuyền bè Ai Cập vào thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên, hình ảnh được tái hiện trên trên thuyền buôn Ả Rập trong hải trình từ Levant đến Trung Hoa, ngư dân Việt miền Trung đã nhìn thấy và thể hiện nó trên thuyền của mình như một cách tiếp biến văn hóa. Cũng từ đấy, những phân định đã bắt đầu rạch ròi: mắt trên các thuyền đánh cá thường nhìn xuống biển để tìm kiếm ngư trường; mắt của thuyền buôn thường nhìn thẳng về phía trước để quan sát thị trường tiêu thụ hàng hoá mà nó mang nặng trong khoang v.v… Cũng từ sự phân định này, trên dải đất miền Trung núi biển cận kề, hình dạng và màu sắc của mắt thuyền đã là những tiêu chí chân xác để xác định xuất xứ lẫn hải trường của từng con thuyền cụ thể. Từ nam bờ Hiền Lương đến Phan Thiết, mắt thuyền hẹp, con ngươi nhìn thẳng về phía trước, con ngươi thường được sơn màu đen trên nhãn cầu màu trắng. Mắt của ghe thuyền vùng Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh có dạng tựa bầu dục, và đôi khi có đầu trước nhọn, mắt có màu đen hoặc trắng sơn trên nền đỏ.v.v
Ngập tràn truyền thuyết và truyện kể, cũng có thể không ít trong số ấy là những câu chuyện hư cấu của người đời sau nhằm giải thích những ẩn ý của người xưa xung quanh đôi mắt của ghe thuyền được vẽ nên từ quá khứ, thế nhưng, những nghi thức còn đọng lại trong niềm tin bất di bất dịch của một cộng đồng, mà vốn văn hoá của họ đã là phần bổ khuyết, bên cạnh nét dung hoà, giao thoa v.v… làm nên sự đa dạng cho tính chất vùng miền không khỏi không khiến phải lưu tâm. Mỗi một con thuyền được làm thành với nhiều hoài bão của cộng đồng người, mà việc chinh phục hay làm chủ biển khơi như ước vọng ngàn đời; mỗi một con thuyền được làm thành với toàn bộ gia sản suốt một đời làm lụng; mỗi một con thuyền khi làm thành phải tuân thủ nhiều lễ nghi, mà việc đặt long cốt hay “phong nhãn”/che kín mắt thuyền bằng dải lụa điều bởi chủ thuyền hay lão ngư giàu kinh nghiệm, để rồi khi thực sự sống một cuộc đời gắn chặt với mặt biển bao la, con thuyền phải được “khai nhãn”/gỡ bỏ băng che mắt như bao sinh vật khác trên cõi sống này.
Dọc bờ biển miền Trung và điển hình nhất ở khu vực nam Trung bộ, những con thuyền đi biển nổi tiếng với loại hình mắt trén, một con mắt sắc sảo như lưỡi đao được vẽ trên nền của một loại hình phương tiện mang nhiều dáng dấp vùng đa đảo. Cùng với mắt thuyền, vòng tròn thái cực hay dấu hiệu âm – dương cũng được khắc trên thuyền như một biểu hiện của Đạo giáo Trung hoa về thuyết nhị nguyên, qua cách tiếp cận thuần đặc chất dân gian như nếp nghĩ của ngư dân miền biển, một sự hoà hợp của sáng - tối, mặt trời - mặt trăng, hay trời và đất…, một sự hoà hợp để tạo thành vòng đời. Rồi cũng là một biểu hiện của niềm tin tín ngưỡng, mắt thuyền và vòng thái cực tồn tại như một phương cách trấn yểm trong mục đích cầu an, một cách hiểu tương tự như “chiếc mũi muống” ở biển Quảng Bình, hình ảnh ấn chưa nhiều dấu ấn bắc.
(Các) nguồn
google